Buổi Seminar: Xây dựng năng lực thương mại, tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu và hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do các nữ doanh nhân quản lý

Trong tình hình hiện nay, sau khi Mỹ tuyên bố rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có nhiều nghi ngờ TPP sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, với nỗ lực của Nhật Bản, Mexico và các nước thành viên còn lại, trong đó có Việt Nam, các bên đã hoàn tất quá trình đàm phán và đạt được thoả thuận chung về việc ký kết Hiệp định CPTPP. 
Có thể nói, những tác động tích cực của CPTPP đối với Việt Nam là rất tích cực. Trước thực tế này, Giáo sư Lê Vũ Quân, đại học Seattle, Mỹ,  đã có buổi thuyết trình tại Khoa QTKD cho các giảng viên về chủ đề “ Xây dựng năng lực thương mại, tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu và hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do các nữ doanh nhân quản lý”, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP.
Hiện nay, phụ nữ tham gia lãnh đạo, làm chủ tại 31% cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, con số này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á, đứng thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp nữ cao nhất. Các chuyên gia đánh giá, sự tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo của phụ nữ vào điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Mặc dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ nhưng thành quả về doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách Nhà nước đều ngang bằng hoặc vượt trội doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Qua đó khẳng định, phụ nữ hoàn toàn có đủ năng lực lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Nghiên cứu chỉ ra những cơ hội, thách thức, cũng  như nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý đối với quá trình gia nhập TPP.  Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn hạn chế bởi có đến 96% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết ở quy mô gia đình. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nội địa chỉ tận dụng đương khoảng 30% các ưu đãi thuế quan mà các hiệp định thương mại (FTAs) mang lại. Cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức đầy đủ, nghiên cứu sâu và đưa ra các chiến lược hành động cụ thể để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức mà TPP mang đến. Giáo sư Quân đưa ví dụ trường hợp của doanh nghiệp dệt may,  các doanh nghiệp dệt may trong nước khó có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan khi chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ của sản phẩm. Hiện hầu hết nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may được nhập khẩu từ các nước ngoài TPP, chủ yếu từ Trung Quốc. Các thành viên TPP mới chỉ cung cấp khoảng 5% nguyên liệu đầu vào cho dệt may Việt Nam.  
GS%20Le%20Vu%20Quan.png

               Hình 2: Giáo sư Quân và giảng viên Quản trị kinh doanh tại Đại học Tôn Đức Thắng
Sau khi Giáo sư thuyết trình, các giảng viên đã thảo luận sôi nổi cũng như đặt ra các câu hỏi về đề tài này.  Buổi thuyết trình đưa ra các tổng kết các giải pháp để Việt Nam có thể chuẩn bị tốt để tham gia TPP như sau.  Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần tự đánh giá lại mình để tìm ra những ưu, khuyết điểm đã bộc lộ trong thời gian qua, đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn của TPP mà xác định rõ những vấn đề cần phải phát triển hoặc thu hẹp hoạt động một cách linh hoạt, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng mặt hàng cụ thể. Doanh nghiệp chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thứ hai, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; tiếp thu công nghệ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước khác. Thứ  ba, doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu. Để nâng cao sức cạnh tranh và khả năng phát triển thị trường, điều mấu chốt là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa.  Cuối cùng, TPP đặt ra những quy định rất khắt khe về môi trường, lao động hay bảo hộ sở hữu trí tuệ. Điều đó cũng là xu hướng phát triển tất yếu của môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh trong thời đại ngày nay. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải từ bỏ lối kinh doanh cũ, cải cách hoạt động của doanh nghiệp mình cho phù hợp với xu thế của thời đại.
                                                                Nguồn: tác giả, tapchikhxh.vass.gov.vn, saigondautu.com
 

KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH
B004, Đại học Tôn Đức Thắng
19 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Phong, Q.7, TP. HCM
Hotline : + 84 28 37755067
Email: fba@tdtu.edu.vn